Phương pháp tính Tổng_sản_phẩm_trên_địa_bàn_(GRDP)

Theo chỉ đạo của Tổng cục Thống kê (Việt Nam), 02 thể loại tính Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), bao gồm tính Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành và theo giá so sánh. Tình hình hiện tại của Việt Nam thì giá hiện hành được chọn từ Tỉ giá ngoại tệ hằng năm, chủ yếu với Đô la Mỹ. Về giá so sánh thì được so sánh với giá năm 2010. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành thường được dùng để nghiên cứu cơ cấu kinh tế, mối quan hệ tỷ lệ giữa các ngành trong sản xuất, mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh đã loại trừ biến động của yếu tố giá cả qua các năm, dùng để tính tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nghiên cứu sự thay đổi về khối lượng hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra.[8]

Theo giá hiện hành, có 3 phương pháp tính tổng sản phẩm trên địa bàn, gồm:

Phương pháp sản xuất

GRDP = GO + TNK - TC
  • GO: Tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế.
  • TNK: Thuế nhập khẩu vào tỉnh/thành phố.
  • TC: Trợ cấp sản xuất phát sinh từ các đơn vị thường trú trong tỉnh/thành phố.

Phương pháp thu nhập

GRDP = TNKT + TSX + KH + LN
  • TNKT: Thu nhập của người lao động từ sản xuất (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền). Tổng thu nhập từ các hoạt động kinh tế hợp pháp (bao gồm: Sản xuất kinh doanh và cả sản xuất  mang tính tự sản, tự tiêu) của các lao động trong tỉnh, bao gồm: Tổng cộng toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật của lao động thu được trong thời kỳ (năm) nghiên cứu, như: Tiền lương, tiền công, tiền thưởng, tiền ăn ca, tiền đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và đóng công đoàn phí do chủ sử dụng lao động chịu trách nhiệm đóng góp cho người lao động, tiền do Bảo hiểm xã hội chi trả nghỉ ốm đau, thai sản,... cho người lao động; Thu nhập hỗn hợp bao gồm tiền và giá trị hiện vật thu từ sản xuất kinh doanh của các hộ dân cư, các trang trại, các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh sau khi lấy tổng thu từ sản xuất kinh doanh trừ đi tổng chi phí sản xuất kinh doanh (gồm chi nguyên nhiên vật liệu; chi dịch vụ thuê ngoài; thuế, phí phải nộp,...) tương ứng với phạm vi thu từ sản xuất kinh doanh đó của các đơn vị đó trong năm.[9]
  • TSX: Thuế sản xuất (đã trừ phần trợ cấp cho sản xuất).
  • KH: Khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất.
  • LN: Thặng dư sản xuất hoặc thu nhập hỗn hợp của tỉnh/thành phố.

Phương pháp sử dụng

GRDP = TDCC + TLTS + CLXNK
  • TDCC: Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và chính quyền địa phương.
  • TLTS: Tích lũy tài sản (tài sản cố định, tài sản lưu động và tài sản quý hiểm).
  • CLXNK: Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các đơn vị thường trú trong tỉnh/thành phố.

Về mặt lý thuyết thì có thể tính tổng sản phẩm trên địa bàn theo 03 phương pháp như trên. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay để tính cho một tỉnh/thành phố thì nguồn thông tin rất hạn chế và chưa đủ điều kiện để có thể vận dụng cả 03 phương pháp như đối với toàn bộ nền kinh tế nên việc tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh/thành phố chủ yếu theo phương pháp sản xuất.

Theo giá so sánh, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh được tính qua những bước trung gian. Vì chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn hoặc giá trị tăng thêm không thể phân tích được thành các yếu tố giá và lượng, nên không có chỉ số giá phù hợp để giảm phát trực tiếp nên được tính gián tiếp bằng hiệu giữa giá trị sản xuất theo giá so sánh và chí phí trung gian theo giá so sánh (Phương pháp tính tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh bằng phương pháp sản xuất).

Liên quan